Từ phụ phẩm vỏ cà phê, người nông dân trồng cà phê đã ủ làm thành phân hữu cơ bón lại cho cây, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa làm đất tơi xốp.
Tận dụng vỏ cà phê, lợi ích đôi bề
Theo ông Nguyễn Văn Bể, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đóng chân trên địa bàn huyện Đăk Hà (KonTum), từ trước đến nay người trồng cà phê ở Kon Tum cũng như ở huyện Đăk Hà đều sử dụng vỏ cà phê để ủ thành phân hữu cơ bón lại cho cây.
Cà phê sau khi thu hoạch được phơi khô, sau đó được xay xát, tách riêng hạt cà phê nhân và vỏ cà phê. Sau khi xay xát khoảng 4 - 5 ngày, vỏ cà phê được nông dân cho vào bồn trộn vơi bột, gia đình nào có điều kiện thì cho thêm phân trâu, bò, tưới nhẹ nước để tạo độ ẩm rồi ủ.
Sau khi ủ được khoảng vài tháng, vỏ cà phê được lấy ra khỏi bồn, cứ 5 khối vỏ cà phê nông dân trộn đều 1 bao vi sinh Trichoderma khoảng 3 - 4kg, rồi cho vào bồn ủ tiếp để thành phân hữu cơ. Đến mùa mưa, người trồng cà phê bắt đầu lấy phân hữu cơ làm từ vỏ cà phê bón lại cho cây cà phê.
“Hiệu quả từ việc chế biến phân hữu cơ để bón lại cho cây cà phê là nông dân giảm được một phần chi phí phân bón. Ví như trước kia bón 1 tấn phân hóa học thì giờ chỉ bón 800kg, vì nhờ có phân hữu cơ được làm từ vỏ cà phê bổ sung. Mỗi tấn cà phê nhân nông dân lấy được hơn 2 khối vỏ đã phơi khô, cứ 5 tấn cà phê nhân thì lấy được 1 xe vỏ khoảng 10 - 12 khối. Sau khi ủ sẽ cho ra 2 khối phân hữu cơ.
Hiện nay, tổng diện tích cây cà phê Công ty TNHH MTV Cà phê 704 giao khoán cho nông dân huyện Đăk Hà là 500ha. Sau mỗi mùa thu hoạch, công ty giao khoán cho tổ dịch vụ xay xát, sơ chế, vỏ cà phê được bán ngược lại cho nông dân với giá rẻ để thu hồi chi phí tiền điện và khấu hao máy xay xát. Hiện năng suất cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đạt khoảng 15 tấn tươi/ha, sau khi thu hoạch công ty chỉ thu một phần để chi phí quản lý, còn lại người lao động mang về nhà phơi, tự xay xát.
“Với năng suất bình quân mỗi ha cà phê cho thu hoạch 15 tấn tươi, (3 tấn nhân) và 12 khối vỏ. Ngoài phần lấy nhân để bán thì còn có một lượng rất lớn phụ phẩm là vỏ cà phê được người dân tận dụng ủ làm phân hữu cơ.
Sau khi ủ cho hoai mục, số vỏ cà phê hao mất 2/3 khối lượng, số phân hữu cơ hữu dụng còn lại được khoảng 4 - 5 khối. Chính vì nhiều lợi ích tử ủ vỏ cà phê làm phân mà hiện nay người lao động nhận khoán cà phê của công ty ai cũng tham gia chế biến phân hữu cơ từ vỏ cà phê”, ông Nguyễn Văn Bể cho hay.
Theo phân tích của ông Bể, nếu trước kia 1 gốc cà phê bón 2kg phân vi sinh thì nay được bón từ 5 - 10kg phân hữu cơ tự làm từ vỏ cà phê. Vỏ cà phê thu được từ 1ha cây cà phê sau khi ủ thành phân sẽ bón được cho 3 sào cà phê.
“Diện tích cà phê được bón phân hữu cơ mua bên ngoài rất ít, chiếm khoảng 2%, chỉ những hộ có điều kiện mới mua phân bò bón cho cà phê. Hiện phân bò có giá đến 800.000 đồng/tấn, một gánh nặng chi phí của nông dân trồng cà phê trong bối cảnh giá cả bấp bênh như hiện nay. Từ lâu các công ty, nông trường trồng cà phê ở Kon Tum đã làm phân hữu cơ từ vỏ cà phê, sau khi thấy hiệu quả, nông dân học làm theo”, ông Nguyễn Văn Bể chia sẻ.
“Việc bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê giúp cây tiêu, cà phê phát triển tốt, năng suất cao hơn. Dùng phân hữu cơ thì tốt cho cả cây và đất. Nó không chỉ tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng mà còn làm đất tơi xốp, góp phần cải tạo đất. Tây Nguyên có một lượng vỏ cà phê dồi dào, nếu tận dụng tốt để tạo thành phân hữu cơ thì sẽ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí và giữ cho môi trường được bền vững”.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk).
Vỏ cà phê được làm chất đốt sấy cà phê
Không chỉ ủ làm phân hữu cơ, vỏ cà phê cũng được người nông dân tận dụng làm chất đốt để sấy cà phê, như cách người dân ở thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk) đang áp dụng.
“Hiện Công ty Cà phê Buôn Hồ có 600ha cà phê, năng suất bình quân 11 tấn tươi/ha, vụ thu hoạch năm nay người lao động toàn công ty ước thu được 6.600 tấn tươi, sau khi chế biến lấy nhân thì phần phụ phẩm vỏ cà phê có khoảng 1.200 tấn, số vỏ cà phê này hầu hết được làm chất đốt để sấy cà phê. Vỏ cà phê của mẻ thu hoạch trước được làm chất đốt để sấy cho mẻ cà phê thu hoạch sau, do đó đã giảm được khoản chi phí lớn mua củi, than”, ông Lê Ngọc Lệ, Giám đốc Công ty Cà phê Buôn Hồ chia sẻ.
Trước kia, vỏ cà phê được Công ty CP Cà phê Phước An (Đăk Lăk) chế biến thành phân vi sinh. Tuy nhiên, do những yêu cầu về quy trình sản xuất phân vi sinh và chứng nhận hợp quy nhiêu khê quá, nên Công ty CP Cà phê Phước An dừng chế biến phân vi sinh từ vỏ cà phê. Từ đó, vỏ cà phê được người dân tự ủ thành phân hữu cơ để bón lại cho vườn cà phê của mình. Những hộ có lò sấy thì dùng vỏ cà phê làm chất đốt để sấy cà phê.
Theo ông Trương Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê Phước An, hiện đơn vị này đang quản lý 400ha cà phê ở huyện Krông Păk và 380ha ở huyện Krông Buk (Đăk Lăk), dự kiến năm nay sản lượng thu hoạch được khoảng 8.000 tấn quả tươi.
“Năng suất cà phê ở Krông Păk đạt khoảng 10 tấn tươi/ha, với 400ha năm nay ước thu hoạch được 4.000 tấn tươi. Năng suất cà phê ở Krông Buk đạt cao hơn, khoảng từ 12 - 14 tấn tươi/ha, với 380ha năm nay cho thu hoạch ước khoảng 4.000 tấn tươi. Đến mùa, người lao động tự thu hoạch, vỏ cà phê được người dân mang về ủ thành phân hữu cơ để bón lại cho vườn cà phê, một số được các lò sấy cà phê dùng làm chất đốt”, ông Tuấn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Trọng Ký, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư Kpô (Đăk Lăk), cho biết đơn vị có hơn 230ha cà phê nên số lượng vỏ sau khi thu hoạch rất lớn. Theo ông Ký, những năm gần đây, sau khi thu hoạch các xã viên đều tận dụng vỏ cà phê để ủ với phân chuồng và vi sinh để tạo ra phân bón hữu cơ.
“Việc tạo phân bón hữu cơ giúp các xã viên tiết kiệm được 2/3 số tiền bỏ ra mua phân bón cho cây trồng. Diện tích cà phê được bón phân hữu làm từ vỏ cà phê cũng làm cho đất màu mỡ, tơi xốp hơn, từ đó năng suất cà phê được nâng cao ”, ông Ký nói.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Đăk Lăk: “Hiện tỉnh Đăk Lăk có 208.000ha cà phê, sản lượng cà phê nhân hàng năm khoảng 500 ngàn tấn, còn phụ phẩm vỏ cà phê đạt trên 456 ngàn tấn. Với đặc điểm dễ làm nên toàn bộ vỏ cà phê đã được người nông dân trong tỉnh tận dụng ủ làm phân hữu cơ, chỉ một số ít dùng làm chất đốt sấy cà phê.
Để tăng hiệu quả của phân từ ủ vỏ cà phê người dân nên trộn phân chuồng, vôi bột và nhất là men vi sinh. Việc người nông dân tận dụng vỏ cà phê ủ làm phân đem lại rất nhiều lợi ích, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt giúp sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm được lượng bón phân vô cơ nên giảm chi phí đầu tư, giúp đất tơi xốp…”.