Bình Thuận: Giá cao su tăng, mỗi ngày nông dân ra vườn là có ngay tiền triệu
11:02 - 11/11/2021
Giá cao su tăng cao sau quý 3/2021 không chỉ giúp nông dân cải thiện thu nhập mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Người dân khai thác mủ cao su tại tỉnh Bình Thuận


Dân trồng cao su phấn khởi

Từ cuối tháng 10 đến nay, bà con đồng bào ở xã vùng cao Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đẩy mạnh khai thác và thu mua mủ cao su.

Năm nay, mủ cao su có giá cao hơn so với các năm. Nhờ vậy nguồn thu nhập của đồng bào ổn định hơn.

Ông Trần Văn Lành, một người thu mua mủ cao su ở xã Đông Giang cho biết, giá mủ cao su hiện dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng từ 2.000 - 4000 đồng/kg so với năm ngoái.

Ông Bờ Rông Thiết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Giang cho biết, toàn xã có 650ha cao su. Trong đó, diện tích trồng mới từ năm 2010 là 400ha. Số còn lại được trồng từ năm 1997 - 1998, đến nay đều đã cho thu hoạch mủ cao su.

Những năm qua giá mủ xuống thấp, số tiền đầu tư chăm sóc khá cao. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch kéo dài từ 6 - 8 năm, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân.

Riêng năm nay, dù chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19 nhưng giá mủ có chiều hướng phục hồi.

Giá cao su tăng cao hơn so với các năm trước đã giúp người trồng cao su tiểu điền có thêm thu nhập.

Bình quân mỗi hộ dân trồng 1ha cao su có mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá đối với bà con các xã miền núi.

"Với thời gian khai thác mủ cao su đều đặn 8 lần mỗi năm và mủ cao su được giá, đồng bào vùng cao Đông Giang có thêm nguồn thu nhập ổn định, cùng nhau vượt qua khó khăn sau đại dịch", ông Bờ Rông Thiết nói.

Kim ngạch xuất khẩu cao su đạt mức cao

Tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận), nơi có 23.000ha cao su, người dân cũng đang vào chính vụ khai thác mủ. Năng suất ổn định ở mức 1,8 tấn mủ thành phẩm/ha.

Ông Nguyễn Văn Thiết, nông dân huyện Tánh Linh kể, dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu mủ cao su bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, giá mủ nguyên liệu gần đây đã tăng khoảng 10 đồng/độ mủ so với thời điểm tháng 7 vừa qua. Giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua tại nhà máy chế biến ở mức 315-320 đồng/độ mủ.

Tại các nhà máy chế biến, giá mủ thành phẩm xuất khẩu cũng đã tăng trở lại và ở mức 39-41 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người trồng và cả các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cao su.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý 3/2021, giá cao su tại các sàn giao dịch lớn có xu hướng giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và dịch Covid-19 bùng phát tại khu vực châu Á.

Bước sang tháng 10/2021, giá cao su đã hồi phục trở lại trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, trong khi nguồn cung cao su giảm.

Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng mạnh cũng là yếu tố tác động đến giá cao su.

Ở thị trường trong nước, giá mủ cao su nguyên liệu không có nhiều biến động trong quý 3. Giá mủ cao su dao động quanh mức 260 - 320 đồng/độ mủ.

Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhiều nông trường quốc doanh ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh ngừng cạo mủ để thực hiện giãn cách xã hội.

Bước sang tháng 10/2021, giá mủ cao su có xu hướng tăng trở lại theo xu hướng tăng của thị trường thế giới.

Hiện giá mủ cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 300-345 đồng/độ mủ.

Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 303 - 343 đồng/độ mủ; tăng 18 đồng/độ mủ so với cuối tháng trước.

Tại Bình Dương, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty CP Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 343 - 345 đồng/độ mủ; tăng 15 đồng/độ mủ so cuối tháng trước.

Còn theo Tổng cục Hải quan, trong quý 3, Việt Nam xuất khẩu được 574.910 tấn cao su, trị giá 948,59 triệu USD.

Lượng xuất khẩu này tuy giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng gần 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý 3 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua được cho là do giá cao su tăng mạnh.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt bình quân 1.650 USD/tấn; tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 8,9% so với năm 2020; lên 14,116 triệu tấn (tăng so với mức 14,1 triệu tấn dự báo tháng trước).

Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021.

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới đạt 13,787 triệu tấn; tăng 1,4% so với năm 2020.

Số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng là 329.000 tấn.

 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường