An Giang: Trồng nấm rơm kiểu mới lạ, nấm mọc chi chít, nông dân bất ngờ thu 2 triệu/ngày
Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) anh Nguyễn Thanh Hà mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính. Đến nay, mô hình trồng nấm rơm kiểu mới lạ này cho thấy hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
|
Nguyễn Thanh Hà ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đang thu hái nấm rơm trồng trong nhà kính. |
Tận dụng nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa, năm 2020, anh Nguyễn Thanh Hà ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn đầu tư trồng gần 500 m2 nấm rơm trong nhà kính.
Để thực hiện mô hình này, anh Hà không chỉ học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng.
Anh còn chủ động tham quan học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi như tỉnh Kiên Giang, thành phố Châu Đốc… Từ đó áp dụng vào mô hình trồng nấm rơm của mình.
Theo anh Hà, nấm rơm tương đối dễ trồng. Tuy nhiên để nấm rơm cho năng suất cao và đạt chất lượng, người trồng phải am hiểu về kỹ thuật và nắm vững đặc điểm sinh trưởng, phát triển của nấm.
Khi đã nắm vững kỹ thuật, đặc điểm sinh trưởng, phát triển của nấm rơm thì người trồng có thể điều chỉnh các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm…cho thích hợp.
Anh Hà cho biết, để có được hiệu quả như hôm nay, anh phải trải qua 2 lần thất bại. Tuy nhiên, trong quá trình làm anh đã đúc kết được kinh nghiệm trồng nấm rơm, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của ngành chuyên môn các cấp nên dần dần nấm cho năng suất khá cao và đạt chất lượng.
Hiện tại, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính của của anh có tất cả 8 nhà nấm. Mỗi nhà kính có diện tích 24 m2, được thiết kế bài bản nhằm chủ động, điều chỉnh, quản lý tốt nhiệt độ, độ ẩm và các sinh vật hại.
Mỗi nhà nấm, anh Hà bố trí các kệ để chất rơm ủ với độ dày hợp lý để nấm rơm phát triển tốt và cho năng suất cao.
Với 8 nhà nấm, anh ủ rơm và chăm sóc xen kẻ với nhau. Chính vì thế, mỗi ngày anh đều có nấm để thu hoạch.
Thời gian chất và ủ nấm là 30 ngày, sau đó bắt đầu thu hoạch nấm rơm thành phẩm kéo dài từ 10 ngày đến 20 ngày.
Chi phí đầu tư cho 500 m2 nấm khoảng 400 triệu đồng. Qua quá trình trồng nấm, hiện tại, trung bình mỗi ngày anh thu hoạch từ 30 kg đến 50 kg nấm rơm sạch. Giá bán nấm rơm dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Anh Hà thu về trên 2 triệu đồng/ngày.
Anh Hà phấn khởi cho biết: “Ở đây mình làm ruộng thấy nguồn rơm dồi dào, bỏ thì lãng phí. Vì vậy tận dụng nguồn rơm sẵn có để làm nấm. Sau một thời gian trồng tôi thấy mô hình này nó hiệu quả”.Do nấm được trồng trong nhà kính, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đạt chất lượng và được thị trường các chợ đầu mối rất ưa chuộng. Hiện tại, mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính của anh Hà đã và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Dự kiến, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thị trường, đầu tư thêm diện tích trồng nấm rơm trong nhà kính.
Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú cho biết: “Tôi nhận thấy mô hình trồng nấm rơm của anh Hà mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Bên cạnh đó, thông qua mô hình này còn tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
Không chỉ thu nhập cao từ mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính, mà vợ chồng anh Hà còn là người nông dân gắn bó với ruộng đồng. Với 5 héc-ta đất trồng lúa 3 vụ mang về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ đó, giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) triển khai và thực hiện đạt hiệu quả.
Nhất là diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái trên địa bàn huyện ngày một tăng. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế.
Tại xã Tân Phú, anh Nguyễn Thanh Hà mạnh dạn thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính.