"Cá tỷ đô" đang "mắc cạn" ở các tỉnh ĐBSCL thực ra là loài cá gì?
08:00 - 20/10/2021
Đứng trước những hệ lụy tất yếu bởi dịch Covid-19, loài cá tra chiến lược ngành thủy sản đang phải chịu nguy cơ sụp đổ bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Để có thể phục hồi, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản cần được ứng cứu kịp thời và nhanh chóng.
Chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản còn trụ được “3 tại chỗ”


Đứng trước những hệ lụy tất yếu bởi dịch Covid-19, loài cá tra chiến lược ngành thủy sản đang phải chịu nguy cơ sụp đổ bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Để có thể phục hồi, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản cần được ứng cứu kịp thời và nhanh chóng.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản “khóc ròng”

“3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, giảm đến 50% lượng nhân công làm việc tại nhà máy, giãn cách kéo dài dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, giá vận chuyển tăng 5 - 7 lần… là các yếu tố tác động trực tiếp tới tình hình sản xuất chung, khiến nhiều DN phải “khóc ròng”.

Một lãnh đạo nhà máy chế biến cá fillet đông lạnh tại miền Tây chia sẻ: “Chúng tôi đã chi hàng tỷ đồng cho chi phí ban đầu cũng như các phát sinh hàng ngày như ăn, ở, sinh hoạt… để sắp xếp cho hơn 1.000 con người làm việc tại chỗ. Mục đích là không để quá trình sản xuất phải dừng vì phải giữ đơn hàng quốc tế quan trọng và cố gắng duy trì việc làm cho công nhân viên không bị thất nghiệp thời dịch”. Nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng, DN phải chịu nhiều áp lực hơn về các chi phí này.

Trong suốt thời gian này, tình hình vận chuyển của các đơn vị cũng phải rơi vào bế tắc. Một trong những việc làm mất thời gian nhất là giải quyết các thủ tục giấy đi đường cho lực lượng tài xế.

Do đơn vị sản xuất liên kết với các hộ nuôi ở nhiều tỉnh nên lộ trình thu mua ở cả đường thủy và đường bộ phải qua nhiều chốt trạm của các tỉnh thành. Nhưng mỗi một tỉnh là một kiểu giấy tờ khác nhau, yêu cầu kiểm soát cũng không thống nhất nên rất khó đáp ứng kịp thời nguyên vật liệu sản xuất và phát sinh các loại chi phí khác.

Cùng với đó, quy định áp dụng giảm từ 30% - 50% số nhân công làm việc tại nhà máy theo chỉ đạo phòng, chống dịch đã khiến công suất sản xuất không đạt, kéo theo nhu cầu thu mua cá nguyên liệu giảm mạnh. Trong khi bà con nuôi cá muốn duy trì ao nuôi phải chịu chi phí đầu vào cao và giá thành nuôi phải tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Vấn đề không đủ nguyên liệu sản xuất khiến các ông chủ trong ngành không khỏi đau đầu.

Khó khăn hơn khi hàng xuất khẩu phải gánh chi phí vận chuyển đường biển cao ngất do thiếu trầm trọng container rỗng từ cuối năm 2020. Hiện giá cước thuê container đã ở mức 6.000-6.500 USD/container so với hồi đầu năm 2021 là 1.400 USD/container.

Ở mức giá này, chi phí vận chuyển đã chiếm 30% - 40% chi phí sản xuất. Các DN hầu như không còn giải pháp nào khác ngoài việc phải chấp nhận gia tăng chi phí tồn kho, thuê kho lạnh hoặc giảm lợi nhuận để giữ khách hàng quốc tế.

Các loại chi phí tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ nhanh chóng phát sinh nhiều vấn đề hóc búa về sau.

Con cá chiến lược cần được “giải cứu”

Cá tra là loài mang ý nghĩa kinh tế quan trọng, góp phần lớn vào sự phát triển xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Nó là nguồn kho báu vô tận của thiên nhiên đồng bằng châu thổ Tây Nam. Ngành thủy sản có thể đã có trong tay tỷ đô mỗi năm khi khai thác được loài cá chiến lược này, nâng tầm giá trị cá tra Việt Nam trên trường quốc tế và ngư nghiệp quốc gia.

Nhưng sẽ rất khó khăn cho việc phục hồi ngành thủy sản nếu không có giải pháp hỗ trợ tích cực từ các ngành, địa phương trong tình hình dịch kéo dài. Khi chuỗi cung ứng ngành thủy sản bị đứt gãy, dư địa của nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Chẳng hạn, ngành thức ăn thủy sản sẽ nhanh chóng bị tắc nghẽn cục bộ do giãn cách nên không thể nhập nguyên liệu đầu vào. Các mặt hàng giá trị gia tăng khác như: bột cá, mỡ cá… cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ của các khách hàng ở thị trường châu Âu và các nước khác.

Hiệu ứng domino sẽ nhanh chóng lan rộng đến các mắc xích quan trọng trong ngành, nếu địa phương không thật sự đánh giá kỹ những phát sinh không cần thiết, gây khó khăn và tốn kém cho DN.

Bản thân sự di chuyển của con người không phải thủ phạm lây lan dịch, mà nguyên nhân chính là sự di chuyển không an toàn. Di chuyển an toàn khi hội tụ đủ 3 yếu tố bao gồm con người, phương tiện và quy trình. Nếu người đã có đủ kháng thể bảo vệ, được trang bị các kỹ năng, kiến thức, đồ bảo hộ kỹ càng và áp dụng các quy tắc an toàn chặt chẽ khi tham gia lưu thông thì sẽ không có cách nào để con virus có thể tự do lây lan.
 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường