Xuất khẩu cà phê vào Bắc Âu: Chú trọng đặc biệt đến chất lượng sản phẩm
08:23 - 27/08/2021
Hiện nay, Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển có tỷ lệ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Đứng thứ hai, thứ tư và thứ sáu trong số 10 quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu, những thị trường này đang hướng mạnh đến cà phê chất lượng cao. Do đó, thị trường cà phê các nước Bắc Âu nhập khẩu lượng Arabica tương đối cao và lượng Robusta thấp.
Thị trường Bắc Âu đang hướng mạnh đến cà phê chất lượng cao


Người tiêu dùng Bắc Âu ưa chuộng cà phê chất lượng cao

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cà phê chất lượng cao được chú trọng ở khu vực Bắc Âu. Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch được coi là những "người chơi" quan trọng trong thị trường cà phê đặc sản toàn cầu và việc nhập khẩu cà phê chất lượng cao đã trở thành trọng tâm chính ở thị trường Bắc Âu.

Na Uy chính là nơi thành lập Hiệp hội Cà phê đặc sản ở châu Âu. Người tiêu dùng Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ngày càng tìm kiếm cà phê độc đáo, chất lượng cao trong các quán cà phê. Ở châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tại quán cà phê lớn nhất kể từ năm 2010. Do đó, số lượng chuỗi cà phê và các nhà rang xay siêu nhỏ cũng không ngừng tăng lên. Thụy Điển có hơn 1.700 cửa hàng cà phê vào năm 2018 và số lượng cửa hàng cà phê nhỏ liên tục tăng. Trong cùng năm, Đan Mạch thậm chí ghi nhận tỷ lệ quán cà phê mới đăng ký cao nhất ở châu Âu, đạt 14,5%.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, sự quan tâm đến cà phê hữu cơ tuân theo xu hướng chung của thị trường Bắc Âu đang phát triển. Cà phê phát triển nhanh nhất trong các loại đồ uống hữu cơ ở Đan Mạch. Người tiêu dùng Thụy Điển cũng ngày càng ưa chuộng cà phê hữu cơ. Các nhà rang xay Bắc Âu và các thương hiệu cà phê luôn có các sản phẩm hữu cơ trong danh mục của họ.

Người tiêu dùng ở khu vực này quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng, nên các chứng nhận như Rainforest Alliance-UTZ, Fairtrade đóng vai trò rất quan trọng.

Tận dụng lợi thế từ EVFTA

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê chưa rang, chưa khử chất cafein vào Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy.

Các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng được đặc biệt quan tâm.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó mặt hàng cà phê được hưởng thuế 0% sẽ giúp cà phê Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực này và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Để tiếp cận thị trường cà phê Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các nhà xuất khẩu có thể sử dụng các kênh khác nhau để đưa cà phê vào thị trường khu vực Bắc Âu. Việc gia nhập thị trường sẽ khác nhau tùy theo chất lượng cà phê và khả năng cung cấp. Chuỗi cung ứng rút ngắn đang là xu hướng chung ở châu Âu. Điều này có nghĩa là các nhà bán lẻ và các công ty rang xay cà phê ngày càng có xu hướng tìm nguồn cung ứng trực tiếp cà phê nhân.

Các nhà nhập khẩu được đánh giá là đóng một vai trò quan trọng trong thị trường cà phê, hoạt động như những nhà quản lý chuỗi cung ứng. Họ duy trì danh mục từ nhiều nguồn xuất xứ khác nhau, thanh toán tài chính trước, thực hiện kiểm soát chất lượng, quản lý biến động giá cả và thiết lập mối liên hệ giữa nhà sản xuất và người mua cuối cùng, chẳng hạn như nhà rang xay. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà nhập khẩu có mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp và khách hàng của họ.



 

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường