Khẳng định chất lượng nông sản Việt
10:31 - 23/06/2021
Hệ thống tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển được dùng cho một số lô vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Singapore đã thêm một lần khẳng định chất lượng nông sản Việt với người tiêu dùng nước ngoài.
Vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 bán tại Singapore


Minh bạch thông tin

Ngày 12/6/2021, lô hàng gần một tấn vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 được xuất khẩu chính ngạch vào Pháp nhờ nỗ lực của nhà sản xuất, doanh nghiệp thương mại trong cam kết về chất lượng và quyết tâm mang đặc sản Việt Nam đến với thị trường Pháp. Đây cũng là kết quả triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM).

Theo ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn hàng vải thiều tới từ đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế. Với tem truy xuất nguồn gốc iTrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến, các chứng nhận chất lượng cùng toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch hay đóng gói.

Tem truy xuất nguồn gốc itrace247 không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới về minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam. Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 có thể hiện thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng. Trước đó, vải thiều Thanh Hà có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản.

Nâng cao năng lực truy xuất

Ông Mai Xuân Thìn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ - cho biết: Việc dán tem truy xuất nguồn gốc làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng, tăng niềm tin của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm... Rồng Đỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, hướng dẫn các vùng trồng áp dụng nhật ký điện tử thành thục và triển khai chức năng giám sát sản xuất trên hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu thành công hơn nữa.

Để nâng cao nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho các nhà sản xuất, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM - thông tin, ngoài hoạt động đào tạo trực tiếp, Cục XTTM đã phát triển bộ giáo trình điện tử về truy xuất nguồn gốc và sẽ tiến hành giảng dạy, hướng dẫn, tư vấn thông qua hình thức trực tuyến bắt đầu từ tháng 8/2021. Về lâu dài, việc nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các đối tượng vẫn là hoạt động mang tính chiến lược nhằm ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.

Để "học" và "hành" luôn song hành, Cục XTTM phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam từng bước xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đào tạo cho các hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành hỗ trợ xúc tiến sản phẩm thông qua gian hàng "Chương trình cấp quốc gia về XTTM". Đây là các gian hàng hiện đang được Cục XTTM triển khai trên sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của địa phương.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức hợp tác phát triển Đức, hệ thống truy xuất - XTTM iTrace247 đã được Cục XTTM xây dựng và đưa vào sử dụng, áp dụng cho các sản phẩm nông sản từ tháng 3/2021.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường