Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
09:30 - 02/04/2021
Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong cả nước.

Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NNVN

Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NNVN

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT - cơ quan thường trực Chương trình, ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chu trình OCOP gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp, xây dựng biểu trưng OCOP Việt Nam và áp dụng thống nhất trên cả nước.

Đến nay, đã có 59 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, trong đó, 57 tỉnh đã có quyết định chính thức công nhận kết quả với 4.469/6.210 sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (đạt 72% và  vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020).

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả như: Hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; Chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của thành phố Hà Nội; Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;... góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

Giai đoạn 2018-2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP, trong đó: Ngân sách Trung ương 1,8%, ngân sách địa phương là 0,9%, vốn tín dụng: 76,6%, vốn lồng ghép: 3,9%... Đặc biệt, nguồn vốn của các chủ thể tham gia triển khai chương trình chiếm 16,5%.

Xác định để chương trình thành công, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm là cốt lõi, đến nay đã phát triển được 24 tổ chức tư vấn OCOP, ký kết chương trình phối hợp với 10 cơ quan, tổ chức Trung ương, tổ chức các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, thanh niên và phụ nữ, hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp sản phẩm OCOP hiệu quả ở các địa phương; Thống nhất chủ trương với các tỉnh về định hướng xây dựng 3 Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP ở 03 vùng để thúc đẩy các hoạt động đổi mới, thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm ở các địa phương.

Bộ NN- PTNT đã phối hợp với các đơn vị thúc đẩy mạng lưới kết nối quốc tế về sản phẩm OCOP (iOCOP), đề xuất sáng kiến“Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã/làng một sản phẩm trong khối ASEAN” và được Hội nghị cấp cao ASEAN 2020 chấp thuận đưa vào thực hiện từ năm 2021.

Kinh tế - xã hội nông thôn phát triển nhờ OCOP

Qua gần 3 năm thực hiện, Chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, như: các làng nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở Miền núi phía Bắc, cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên, lúa gạo và thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long...

Hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…  

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 99 sản phẩm OCOP. Ảnh: NNVN

Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 99 sản phẩm OCOP. Ảnh: NNVN

Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đã hình thành được 393 chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp.

Bước đầu, Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, các chủ thể OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã tạo việc làm cho trên 3.800 lao động trực tiếp; các chủ thể OCOP của tỉnh Hà Tĩnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2.196 lao động... Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm 39%, cao hơn tỷ lệ nữ giữ vai trò điều hành các doanh nghiệp của Việt Nam (25%), đặc biệt là ở khu vực miền núi như: Bắc Trung Bộ với 50,6%, Tây Nguyên là 45,2% và MN phía Bắc là 43,4%.

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, đã tiếp cận thị trường xuất khẩu (như miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, cà phê Bích Thao của tỉnh Sơn La, đường thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang…), hướng đến làm quà tặng sang trọng và có giá trị cao.

Khó khăn, tồn tại và giải pháp 

Cùng với những kết quả đã đạt được, Chương trình OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Là một Chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, do đó giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh.

Sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Quảng Ninh.

Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Đặc biệt, các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.

Nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Nhiều chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.

Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai Chương trình giai đoạn 2018-2020, trong giai đoạn 2021-2025 cần xây dựng khung Chương trình phù hợp với tiềm năng và lợi thế của các địa phương, huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành trong triển khai Chương trình.

Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP cần phải gắn với các chương trình hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương; các Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của các chủ thể.

Các địa phương cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tiềm năng về nguyên liệu địa phương, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có chính sách, giải pháp phù hợp để phát triển sản phẩm OCOP. Các Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng dẫn các địa phương, chủ thể áp dụng các quy định liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm và sở hữu trí tuệ...Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế trong triển khai Chương trình, tiếp tục tham mưu hoàn thiện và mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP khu vực và quốc tế, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Để chương trình đạt hiệu quả hơn nữa, Chính phủ cần cho phép tiếp tục triển khai Chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ phát triển sản xuất và mở rộng đối tượng cho vay để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn đặc biệt khó khăn.

Chương trình OCOP góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn (khoảng 5.400 làng nghề, trong đó gần 2.000 làng nghề truyền thống). Xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương (hiện cả nước có khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động).


Nam Khánh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng