OCOP khơi dậy tiềm năng đặc sản xứ Tuyên
09:06 - 29/03/2021
Trong 79 sản phẩm đạt sao OCOP có nhiều sản phẩm là ẩm thực vùng miền của tỉnh Tuyên Quang. Bởi thế khi đạt sao là cơ hội để đặc sản xứ Tuyên tỏa sáng.
Bún khô, một trong những sản phẩm đặc trưng của người dân tộc Tày ở vùng cao Tuyên Quang được công nhận đạt sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh.

Bún khô, một trong những sản phẩm đặc trưng của người dân tộc Tày ở vùng cao Tuyên Quang được công nhận đạt sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh.


Sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ, của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Khuôn Hang, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa vừa đạt 3 sao OCOP. Cá kho Mạnh Mẽ được bắt nguồn từ món cá kho của bà con dân tộc Tày ở Chiêm Hóa. Nguyên liệu để làm cá kho gồm có thịt những dòng cá trắm chất lượng được nuôi và cho ăn những thức ăn hoàn toàn từ cây, quả của núi rừng Chiêm Hóa.

Cá được chọn lọc và sơ chế, tẩm ướp cực kỳ công phu bằng những gia vị đặc trưng như: Giềng, sả, ớt, tai chua… rồi kho liên tục trong 16 tiếng sẽ được miếng cá chắc nịch với vị béo ngậy từ thịt và bùi ngọt từ xương pha lẫn chua thanh cùng hòa quyện tạo nên hương vị hoàn hảo.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ thể của sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ cho biết, từ khi được công nhận đạt sao OCOP sản phẩm được thị trường đón nhận nhiều hơn. Tuy nhiên anh Mạnh cũng thừa nhận rằng dù sản phẩm đã có bao bì, chất lượng khá ổn nhưng chưa đi vào được hệ thống các siêu thị bởi bao bì của sản phẩm còn khá thô sơ, chưa có kiểu dáng công nghiệp nên chưa được đẹp và bắt mắt khách hàng. Một khó khăn nữa là do kinh phí hạn hẹp nên việc mở rộng sản xuất cũng như mua trang thiết bị hiện đại để chế biến, nâng cao chất lượng của sản phẩm gặp khó khăn.

Bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm kết tinh của văn hóa truyền thống kết hợp với công thức chế biến mang đậm nét cổ truyền của người dân tộc Tày ở Chiêm Hóa. Nguyên liệu chủ đạo không thể thiếu để làm món bánh đó là gạo nếp cái hoa vàng và lá gai. Kết hợp với đó là thịt lợn và nhân đỗ xanh… rồi đem gói bằng lá chuối khô theo phương pháp cổ truyền tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa. Sản phẩm vừa được công nhận đat 4 sao OCOP.

Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết, trong năm 2020, các thành viên hợp tác xã đã sản xuất và tiêu thụ trên 120.000 cặp, với giá bán 10.000 đồng/cặp. HTX cũng đưa gia chương trình ưu đãi với những khách hàng mua nhiều, cứ 10 cặp thì sẽ được khuyến mãi thêm 1 cặp. Để thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa không bị mất khi đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường HTX yêu cầu các thành viên cam kết thực hiện đúng quy chế quy định của nhãn hiệu bánh gai Chiêm Hoá.

Sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên tính thương mại hóa chưa thực sự nổi bật. Ảnh: TL. 

Sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên tính thương mại hóa chưa thực sự nổi bật. Ảnh: TL. 

Ngoài sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ, bánh gai Chiêm Hóa thì trong các sản phẩm đạt sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang nhiều sản phẩm mang đặc điểm ẩm thực vùng miền khác như thịt dê núi Lâm Bình, rượu ngô Na Hang, bún khô Đà Vị, vịt bầu Minh Hương, thịt trâu khô… Tuy nhiên, so với các sản phẩm nông sản đặc sản như bưởi Phúc Ninh, cam sành Hàm Yên, chè… thì các sản phẩm ẩm thực còn lép vế về xây dựng thương hiệu cũng như việc thương mại hóa nâng cao giá trị kinh tế. Dù nhiều sản phẩm được công nhận sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang có chất lượng khá tốt nhưng bao bì, mẫu mã của sản phẩm còn chưa bắt mắt, tính chuyên nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều sản phẩm đăng ký tham gia OCOP của Tuyên Quang quy mô sản xuất ở mức nhỏ, sản lượng sản xuất ra chưa đảm bảo được tính ổn định liên tục trong thời gian dài.

Bởi phần lớn các sản phẩm OCOP ở Tuyên Quang nói chung và các sản phẩm mang đặc trưng ẩm thực vùng miền nói riêng đều do các HTX sản xuất, công nghệ chưa hiện đại, khả năng tiếp cận thị trường và xây dựng mẫu mã sản phẩm của các chủ thể còn hạn chế, chưa đẹp mắt, chưa thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Bởi vậy OCOP chỉ cho các chủ thể cái nền tảng tốt, còn sản phẩm có tồn tại trên thị trường được lâu dài và sinh lời cho chủ thể hay không thì sự năng động, chủ động của các chủ thể là điều quan trọng quyết định.

Nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đồng hành cùng các chủ thể hỗ trợ làm nông nghiệp tốt; kết nối thị trường xúc tiến thương mại; hỗ trợ các thủ tục để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm… 

Đào Thanh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng