Choáng ngợp Sơn La
Giải bài toán vùng nguyên liệu gắn thời vụ
14:43 - 26/03/2021
Sơn La đang đứng trước cơ hội khai phá tiềm năng chế biến rau quả, nhưng cần những tính toán căn cơ về nguyên liệu nhằm khắc phục hạn chế về thời vụ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên phải) thăm vùng xoài tại huyện Yên Châu (Sơn La) năm 2020. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên phải) thăm vùng xoài tại huyện Yên Châu (Sơn La) năm 2020. Ảnh: Lê Bền.

Bài toán thời vụ

Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), hiện nay, các giống xoài phục vụ cho chế biến trước đây tại các tỉnh phía Nam như xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu chủ yếu phục vụ xuất khẩu quả tươi nên giá đã lên rất cao, có lúc 40.000-45.000 đồng/kg.

Vì vậy, nguồn nguyên liệu xoài phục vụ cho chế biến tại các tỉnh phía Nam hiện nay rất khó khăn. Đây là cơ hội cho vùng xoài Sơn La trong tương lai để phục vụ chế biến và cũng là định hướng khi DOVECO đầu tư dây chuyền chế biến xoài (cùng với dứa) lên Sơn La.

Mặc dù vậy, khó khăn nhất đối với xoài cũng như nhiều loại trái cây tại phía Bắc hiện nay, đó vẫn là vấn đề thời vụ, bởi trái cây phía Bắc chỉ cho thu hoạch theo mùa, chứ không cho thu hoạch rải vụ được quanh năm như các tỉnh phía Nam. Cụ thể, vụ xoài Sơn La chỉ cho thu hoạch chính vụ trong khoảng 1,5 – 2 tháng (giữa tháng 6 tới cuối tháng 7 hàng năm).

Tính thời vụ của trái cây tại Sơn La là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến tại đây. Ảnh: Lê Bền.

Tính thời vụ của trái cây tại Sơn La là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến tại đây. Ảnh: Lê Bền.

Tương tự đối với cây chanh leo, thời vụ cho thu hoạch tại Sơn La chỉ kéo dài từ khoảng tháng 5, tháng 6 năm trước tới tháng 1, tháng 2 của năm sau (thời gian nghỉ đông từ 3-4 tháng). Các loại cây có múi (cam) cũng chỉ cho thu hoạch tập trung trong vòng 2-3 tháng cuối năm trước tới đầu năm sau.

Thời vụ chính là bài toán đau đầu của nhiều nhà máy chế biến rau quả khi đầu tư tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, trong đó có Sơn La. Để giải quyết bài toán này, bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật, giống để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm chế biến trong cùng một dây chuyền, cùng một nhà máy.

"Năm 2020, dù dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu chúng tôi vẫn tăng 230%, thị trường, khách hàng tiêu thụ không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là nguyên liệu, bởi khi đi vào hoạt động đồng bộ, dây chuyền chế biến của chúng tôi tại Sơn La sẽ cần khoảng 3.000 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu/năm. Nhà máy phải chạy liên tục được ít nhất từ 300-320 ngày/năm mới đáp ứng được yêu cầu, riêng dứa phải cần ít nhất mỗi ngày đều đặn thu hoạch được 5ha, sản lượng 40 tấn/ngày mới cơ bản có hiệu quả. Vì vậy, bài toán đau đầu nhất hiện nay đối khi đầu tư vào chế biến rau quả tại phía Bắc nói chung, Sơn La nói riêng vẫn là bài toán nguyên liệu”. Chủ tịch HĐQT DOVECO Đinh Cao Khuê chia sẻ.


Cam kết tiêu thụ hết nguyên liệu cho dân

Về phát triển vùng nguyên liệu rau quả phục vụ chế biến, xuất khẩu của DOVECO, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã có tổ chức họp bàn cùng lãnh đạo các địa phương trong tỉnh cùng HĐQT của DOVECO. Theo đó, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác trong xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu rau quả với DOVECO.

Sơn La cam kết sẽ nỗ lực tối đa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu rau quả cho DOVECO nhằm đảm bảo nhà máy chế biến của DOVECO có thể vận hành đảm bảo công suất theo kế hoạch. Đến nay, Sơn La phối hợp với DOVECO đã triển khai rà soát, quy hoạch, xác định chủng loại cây trồng, vùng trồng và giao kế hoạch triển khai cụ thể cho từng huyện trong tỉnh.

“Chủ trương của tỉnh, sẽ phát triển các vùng nguyên liệu rau, quả tập trung, chuyên canh để ưu tiên giành nguồn lực hỗ trợ về vốn, vật tư, đào tạo tập huấn kỹ thuật cho người dân, không đầu tư phát triển dàn trải, xôi đỗ”, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Dứa là cây trồng có nhiều triển vọng, lợi thế nếu xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, bền vững tại Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

Dứa là cây trồng có nhiều triển vọng, lợi thế nếu xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, bền vững tại Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

Về phía DOVECO, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT của công ty cũng cam kết sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến tại xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) đảm bảo đúng tiến độ, đi vào vận hành ngay đối với một số loại rau củ trong năm 2021, tiến tới đi vào chế biến trái cây như xoài, dứa khi vùng nguyên liệu đủ đáp ứng công suất vận hành của nhà máy. Đồng thời, cam kết sẽ tiêu thụ hết sản phẩm tại các vùng nguyên liệu, đảm bảo đúng cam kết về sản lượng và giá cả theo hợp đồng cho người dân.

Ông Đinh Cao Khuê cũng kiến nghị Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La tạo điều kiện cho phép huy động lực lượng cán bộ khuyến nông tại chỗ của các huyện nơi DOVECO triển khai vùng nguyên liệu để phối hợp hỗ trợ cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty các công tác về đào tạo, tập huấn, khuyến nông, giám sát đồng ruộng, chuyển giao kỹ thuật… cho nông dân.

Bởi hơn ai hết, lực lượng khuyến nông tại chỗ là người hiểu và nắm rõ nhất các vấn đề để chuyển tải, tư vấn kỹ thuật cho bà con. “Phía DOVECO sẽ trả thêm lương cho đội ngũ cán bộ khuyến nông này, xem như là người một nhà của công ty trong suốt quá trình triển khai sản xuất các vùng nguyên liệu”, ông Đinh Cao Khuê mong muốn.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung các chương trình, dự án khuyến nông, nhất là các diễn đàn Khuyến nông @, các chương trình tập huấn, triển khai các gói kỹ thuật đồng bộ... nhằm hỗ trợ, giúp Sơn La xây dựng các vùng nguyên liệu một cách bền vững, hiệu quả.

Hai nghị quyết tập trung cho cây ăn quả

Làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh mới đây, UBND tỉnh Sơn La đánh giá những năm qua, Bộ NN-PTNT đã thường xuyên hỗ trợ tỉnh Sơn La một cách tổng thể từ khâu định hướng quy hoạch, các gói kỹ thuật, giống chất lượng cao, tổ chức các mô hình, công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ kêu gọi thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào công nghiệp chế biến. Qua đó, giúp Sơn La bước đầu đã tiếp cận được các thị trường quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu.

Sơn La đã thông qua 2 nghị quyết lớn tập trung cho phát triển cây ăn quả theo hướng đẩy mạnh chế biến sâu, giá trị gia tăng, bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Lê Bền.

Sơn La đã thông qua 2 nghị quyết lớn tập trung cho phát triển cây ăn quả theo hướng đẩy mạnh chế biến sâu, giá trị gia tăng, bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La vừa thông qua 2 nghị quyết lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thực hiện xuyên suốt cho nhiệm kỳ 2021 – 2025. 

Đó là nghị quyết về công nghiệp chế biến nông sản (giao ngành công thương chủ trì triển khai) và nghị quyết về phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao (giao ngành nông nghiệp của tỉnh chủ trì triển khai). Nghị quyết này sẽ bao trùm tất cả trên các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 8 đề án để triển khai thực hiện. Hai nghị quyết này sẽ song hành trong 5 năm tới, trong đó tập trung nhất cho phát triển ổn định về cây ăn quả.

Theo đó, Sơn La sẽ cùng với các đơn vị khoa học của Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai nghiên cứu rà soát, nghiên cứu, quy hoạch lại một cách khoa học, chặt chẽ về các vùng trồng rau quả gắn với đặc thù lợi thế của từng tiểu vùng, không để xẩy ra tình huống nhiều cây trồng cùng đan xen trên cùng một vùng.

Hiện nay, Sơn La cũng đã cơ bản định hướng vùng trồng chủ lực, tập trung cho một số đối tượng cây ăn quả chính như: Vùng nhãn tập trung ở huyện Sông Mã (hiện có khoảng 6.900ha) và Mai Sơn. Hiện Sông Mã cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thâm canh bền vững, đưa các giống nhãn có giá trị kinh tế cao cùng các gói giải pháp kỹ thuật đồng bộ vào sản xuất.

Vùng xoài đặc trưng sẽ tập trung ở huyện Mai Sơn, Mường La, Yên Châu. Vùng chanh leo tập trung tại các huyện như Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Thuận Châu….

Sơn La chủ trương sẽ phát triển chanh leo ở các vùng có lợi thế, kết hợp việc siết chặt quản lí dịch bệnh trên cây trồng này. Ảnh: Lê Bền.

Sơn La chủ trương sẽ phát triển chanh leo ở các vùng có lợi thế, kết hợp việc siết chặt quản lí dịch bệnh trên cây trồng này. Ảnh: Lê Bền.

Thời gian qua, chanh leo là cây trồng phát triển khá tốt ở nhiều địa phương của Sơn La, tuy nhiên cũng đã xảy ra những vấn đề cần siết chặt kiểm soát về dịch bệnh. Định hướng của tỉnh Sơn La sẽ tập trung ưu tiên phát triển cây chanh leo ăn chắc ở các vùng có độ cao từ 800m trở lên. Đây là những vùng đã khẳng định được sự phù hợp, cho giá trị kinh tế tốt trong thời gian qua.

Sơn La sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan khoa học nhằm tiếp tục có nghiên cứu đánh giá để có giải pháp khống chế các sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây chanh leo nhằm đảm bảo phát triển các vùng nguyên liệu bền vững.


LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng