Tranh thủ thời tiết tốt, bà con huyện Cao Lộc đang chăm sóc hồng không hạt, chuẩn bị mùa quả mới.
Ông Lộc Văn Hoàng, thôn Tồng Liềm, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), cho biết, ông có 2,5 ha hồng không hạt 10 – 15 tuổi. Thời điểm này, cũng như bà con trong vùng, ông đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Ông Lộc Văn Hoàng đang chăm sóc hồng không hạt Bảo Lâm
Được biết, năm 2020 do mưa nhiều, kéo dài, khiến hồng rụng quả, gây mất mùa trên diện rộng. Mặt khác, sau mưa sâu bệnh phát sinh nhiều, nhưng bà con phun thuốc không đúng cách, đúng liều, nên không giải quyết được triệt để.
Rút kinh nghiệm trên, thời điểm này bà con Cao Lộc đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại. Ví như: bệnh thán thư rất kỵ với cây hồng, và làm ảnh hưởng đến việc đậu quả. Hoặc, phải phun thuốc trừ bọ xít, bọ trĩ, rầy nâu, rệp… là những loại bệnh rất hay gặp ở cây hồng.
Theo đó, thuốc BVTV lấy ở các nhà thuốc đã được cấp phép tại các Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm hồng ra hoa, nên phải phun thuốc chống rụng quả để đạt hiệu quả cao. Đồng thời, còn phải bổ sung thêm phân chuồng, và các loại phân hữu cơ khác giúp cây khoẻ, hoa đẹp.
Chưa hết, từ nay đến ngày quả chín, trước Rằm tháng 8, bà con còn phải bón thúc phân lần 2, để hồng cho quả ngọt đậm tự nhiên.
“Từ nhiều năm nay, người dân Lạng Sơn chúng tôi rất tự hào, vì hồng không hạt Cao Lộc (còn gọi là hồng Bảo Lâm, vì xuất phát từ xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc), đã lọt vào tốp 50 trái cây đặc sản của Việt Nam ” – ông Hoàng cho biết thêm.