Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1 năm 2021 ước đạt 280 nghìn tấn với giá trị đạt 154 triệu USD, giảm 29,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
|
Ảnh minh họa |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho hay, trong tháng 1/2021, giá gạo Việt Nam tăng nhẹ 3 USD/tấn so với cuối tháng 12/2020, lên 503 USD/tấn và duy trì mức này đến hết tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ có xu hướng tăng nhẹ dần đều trong tháng từ mức 384 USD/tấn lên 388 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo Thái Lan cũng tăng lên nhưng với biên động cao hơn từ mức 513 USD/tấn vào đầu tháng lên 523 USD/tấn vào cuối tháng.
Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng 1 nhu cầu tiêu thụ tăng. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 100 đồng/kg lên mức 7.300 – 7.400 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.500 – 7.800 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đồng/kg lên 7.500 – 7.700 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 tươi biến động có lúc giảm xuống 6.700 đồng/kg, sau tăng lên 6.900 đồng/kg; lúa khô tăng 100 đồng/kg lên 7.400 đồng/kg; lúa hạt dài tươi giữ ở mức 7.000 đồng/kg, lúa khô tăng 100 đồng/kg lên 7.700 đồng/kg. Nông dân Bạc Liêu bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, với lúa OM 5451 có giá 6.800 – 7.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 ở mức 6.700 – 6.900 đồng/kg, lúa ST24 có giá 7.000 – 7.500 đồng/kg.
Nguồn tin Reuters cho biết nhập khẩu gạo từ Bangladesh có thể tăng vọt trong niên vụ 2020/21 so với mức 100 nghìn tấn của niên vụ trước do nguồn cung hạn chế làm giá nội địa tăng cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Trong năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong năm 2020 đạt 2.22 triệu tấn và 1,06 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 19,3% về giá trị so với năm 2019. Năm 2020, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm: Indonesia (gấp 2,7 lần) và Trung Quốc (tăng 92,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong năm 2020 là Iraq (giảm 70%). Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2020 đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019.
Về chủng loại xuất khẩu, trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 41,5% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 18,1%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 55,3%), Cuba (chiếm 11,8%) và Malaysia (chiếm 11,3%). Với gạo jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 26,8%), Ghana (20,2%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 15,1%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 73,4%), Philippines (chiếm 7,6%) và Indonesia (chiếm 7,1%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Kiribati (chiếm 14,1%), Đảo quốc Solomon (chiếm 14,4%) và Papua New Guinea (chiếm 8,3%).