Hiện nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường Miền trung vẫn tiếp tục tăng theo trên đà tăng chung của cả nước. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã lên 73.000 – 75.000 đồng/kg và nhiều dự báo cho thấy sẽ đạt mốc 80.000 đồng/kg trong những ngày tới do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Miền trung giá thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán: Liệu có tăng trở lại?
|
Mức giá lợn hơi hiện tại đã tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg so với đợt đầu tháng 12/2020 |
Giá lợn hơi đang tăng mỗi ngày
Thông tin từ hai chợ đầu mối trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh, lượng lợn đổ về các chợ khá nhiều, cao hơn vài giá do nhu cầu mua thịt lợn ăn lễ Giáng sinh và dịp tết Dương lịch tăng cao. Việc giá lợn hơi tăng liên tục trong tuần qua khiến người tiêu dùng lo ngại giá thịt heo tiếp tục tăng mạnh trong dịp Tết nguyên đán tới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, giá thịt lợn tại Hà Tĩnh thay đổi tăng, giảm theo sự điều tiết thị trường và quy luật cung – cầu trên cả nước. Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 387.000 con, tăng 8,9% so cuối năm 2019, đảm bảo cung ứng số lượng lớn.
Vào trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 12 vừa qua, giá lợn hơi tại các chợ dân sinh trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh nằm ở mức 63.000 – 66.000 đồng/kg. Giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh theo đó cũng giảm xuống còn dưới 130.000 đồng/kg, là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức giá này chưa “nằm yên” được lâu thì đã tăng trở lại.
Chị Nguyễn Thị Hà- Tiểu thương chợ Vinh (TP Vinh- Nghệ An) cho biết: "Khi giá thịt lợn hơi nằm mức khoảng 65.000 đồng/kg thì giá lợn thịt ba chỉ, mông, vai… ở chợ dao động từ 120.000 – 135.000 đồng/kg. Nhưng giá giảm chưa lâu thì lợn hơi đã đắt trở lại. Giá thịt lợn móc hàm chúng tôi lấy từ lò mổ tăng nên thịt bán ra cũng phải tăng lên. Hy vọng tới đây, nhất là gần tết, giá thịt ổn định hơn”.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) cho biết, hơn 10 ngày trước, trang trại bán 20 con lợn thịt với giá 62.000 đồng/kg. Ngay sau đó thì giá lợn hơi đã tăng dần đến 70.000 đồng/kg, khoảng 3 ngày nay tiếp tục tăng lên trên75.000 đồng/kg.
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và kiểm soát thị trường
Để đảm bảo mặt hàng thịt lợn không tăng giá đột biến như dịp Tết Nguyên đán năm trước, bên cạnh việc đẩy mạnh tái đàn, các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để không xảy ra dịch bệnh.
Theo ông Trương Xuân Bính - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp và Xây dựng Minh Lộc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), giá lợn có dấu hiệu tăng dần và đã tăng đến 10.000 đồng/kg trong 2 tuần. Dự báo giá có thể tiếp tục tăng do quy luật cung – cầu dịp cuối năm, nhưng khả năng chỉ tăng thêm vài giá chứ không có sự đột biến vì việc tái đàn thời gian qua cũng đã đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn các tỉnh Miền trung cũng tăng lên. Theo các tiểu thương đang kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại chợ truyền thống như chợ Vườn Ươm Hà Tĩnh hay chợ Vinh, khoảng hơn chục ngày nay, giá lợn móc hàm đã tăng nên giá thịt lợn bán ra cho người tiêu dùng cũng tăng 5.000 đồng/kg. Hiện thịt lợn thành phẩm tại các chợ có giá 120.000 - 145.000 đồng/kg.
Chi cục thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tình hình dịch tả lợn châu Phi xảy ra vừa qua chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi nông hộ, cơ bản không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2020, đầu năm 2021. Người chăn nuôi khi tái đàn cần mua lợn giống ở những cơ sở uy tín, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo các biện pháp phòng dịch, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định.
Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, để ổn định nguồn cung từ nay đến Tết Nguyên đán, các địa phương phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đối với những cơ sở, trang trại không chấp hành các yêu cầu về tái đàn, cần xử lý theo quy định của pháp luật và không hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân khi lợn mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở để xử lý, khoanh vùng ổ dịch, không để phát sinh ra diện rộng. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị để kiểm soát chất lượng và ổn định về giá bán trên thị trường.
Hy vọng, với những giải pháp trên của các cấp ngành địa phương, từ thời điểm này đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, thị trường thịt lợn có thể cân đối cung - cầu, để giá thịt lợn từ trang trại đến bàn ăn của người dân ở mức hợp lý.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình thời tiết, sản xuất, diễn biến dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để chủ động phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong trường hợp cần thiết, cần có phương án nhập khẩu các mặt hàng thịt gia súc từ nước ngoài để bình ổn thị trường...