Đồng Tháp: Sáng chế máy phun thuốc điều khiển từ xa, 8 tiếng chạy xong 30ha
11:06 - 17/11/2020
Cha đẻ của chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa là nhóm nghiên cứu Võ Hào Em (SN 1980) ở tỉnh Long An - Giám đốc Công ty TNHH TMDV HTT Phi Long (trụ sở tại Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh) cùng với các anh Phùng Minh Phường (tỉnh Bạc Liêu), anh Nguyễn Thanh Lợi (tỉnh An Giang), Dương Anh Thắng (TPHồ Chí Minh).
Chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa hoạt động trên đồng ruộng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.


Những thanh niên đến từ từng địa phương khác nhau nhưng họ có điểm chung là niềm đam mê sáng tạo cơ khí. Họ đã cùng nhau suy nghĩ và sáng chế để cho ra đời loại máy phun thuốc điều khiển từ xa phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Khởi xướng cho ý tưởng sáng chế là anh Võ Hào Em - tốt nghiệp ngành cơ khí động lực thuộc Trường Đại học Nha Trang, Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh.

Sau thời gian học, đến năm 2005, anh Hào Em ra trường về làm việc tại Phà Cao Lãnh thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp. Trong quá trình làm việc, anh Hào Em luôn đưa ra nhiều ý tưởng cho việc sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành phương tiện phà. Đồng thời, anh cũng nuôi ý tưởng là chế tạo một loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Anh Hào Em bắt đầu nghiên cứu từ thực tế sản xuất trên những cánh đồng tại địa phương, từng công việc đồng áng như: phun thuốc, rải phân... nông dân chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công không hiệu quả và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Từ đó, anh Hào Em nghiên cứu chế tạo ra một loại máy nông nghiệp để nông dân bớt vất vả. Trong quá trình nghiên cứu, năm 2018, một lần tham khảo ở mạng xã hội, anh Hào Em phát hiện các thành viên có cùng ý tưởng chế tạo máy là anh Phường, anh Lợi, anh Thắng.

Thế là, các thành viên đã liên hệ và cùng “về chung một nhà”, cùng ngồi lại bàn và đưa ra từng bản vẽ chi tiết cho từng phác thảo máy phun thuốc. Lúc đầu, anh Hào Em và các thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chế tạo, lắp ráp từng bộ phận máy cho phù hợp.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh, đến đầu năm 2019, chiếc máy phun thuốc hoàn thành và các anh quyết định đặt tên cho đứa con tinh thần là máy phun thuốc điều khiển từ xa.

Lúc đầu, máy phun thuốc điều khiển từ xa được cho thuê chạy thử nghiệm ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Sau thời gian vận hành thử, chiếc máy có một số nhược điểm cần khắc phục. Trong đó, vấn đề lớn nhất là khi máy phun thuốc chạy trên đất do chưa có làm bọc dây sên nên lúa quấn bánh, không thể vận hành được và dễ hư phốt mô-tơ thủy lực.

Để khắc phục, anh Hào Em cùng các thành viên đã nghiên cứu lắp thêm bộ phận vùng xả dầu dư để hạn chế việc hư mô tơ thủy lực; thiết kế bọc dây sên che chắn giúp không quấn lúa trong quá trình vận hành.

Khi đã hoàn chỉnh các chi tiết, máy phun thuốc điều khiển từ xa hoạt động hoàn chỉnh khắc phục tốt những lỗi vận hành. Đến cuối năm 2019, máy phun thuốc điều khiển từ xa đã được vận hành rộng rãi trên các cánh đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Long An.

Anh Hào Em cho biết: “Hoạt động của máy phun thuốc điều khiển từ xa theo nguyên lý động cơ kéo bơm thủy lực, kéo bơm phun xịt. Theo đó, khi kéo bơm thủy lực, áp lực nhớt sẽ truyền đến 4 mô tơ thủy để kéo 4 bánh xe. Ưu điểm của truyền động thủy lực là nhỏ gọn, giúp thiết bị khai thác hết công suất đầu ra, ít tiêu tốn năng lượng, độ bền cao, dễ kết nối với bộ điều khiển từ xa..."

Anh Hào Em cho biết thêm: "Điều này giúp người nông dân tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Với những tính năng hoàn hảo, trong 1 ngày máy phun thuốc có thể hoạt động suốt 8 tiếng và phun được 220 lít, tương đương khoảng 30ha lúa. Sau khi đứa con đầu tiên hình thành đúng mong muốn, tôi và các thành viên đã sản xuất thêm 3 máy phun thuốc điều khiển từ xa”.

Với những nỗ lực không ngừng, Dự án máy phun thuốc điều khiển từ xa đạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp 2020. Được biết, nhóm nghiên cứu Võ Hào Em tiếp tục làm bổ sung 1 chức năng trên máy phun thuốc là sạ phân và sạ lúa. Cùng với đó, nghiên cứu thêm việc vận hành máy cho vườn cây ăn trái. Đồng thời đăng ký bản quyền sáng chế máy.

 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng