Bộ NNPTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 với sự góp mặt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, HTX, tổ hợp tác.
Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 do Bộ NNPTNT xây dựng, trình Chính phủ và đã được phê duyệt tại Quyết định 885 ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
|
Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh:Thái Hiền |
Theo đề án, mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể về diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đến năm 2020 đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; đến năm 2030 đạt khoảng 2,5 - 3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt các nội dung chính của đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, giúp các đơn vị quản lý của Bộ, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp hiểu rõ quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ... qua đó, triển khai nhiệm vụ đề án phù hợp chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế địa phương.
Diện tích canh tác hữu cơ tại Việt Nam đang có xu hướng tăng (từ 53.350ha năm 2016 lên 237.693ha năm 2019). Cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố có sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97; 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.