Hải Phòng: Sản phẩm OCOP chưa đại diện được cho các sản phẩm thế mạnh
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Hải Phòng hiện tại còn ít so với tiềm năng và chưa đủ tính đại diện cho thế mạnh của địa phương.
|
Các sản phẩm OCOP hiện tại ở Hải Phòng chưa đại diện được cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Ảnh: Đinh Mười. |
Sản phẩm OCOP còn ít
Thời gian qua, chương trình OCOP tại TP Hải Phòng đã được triển khai khá tốt với những chính sách ưu đãi riêng. Về cơ bản, chương trình đã phát huy tích cực giá trị, bắt đầu thu hút được người dân quan tâm tham gia và góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm tham gia chương trình này vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụ thể, năm 2019, cơ quan chức năng TP Hải Phòng thực thiện đánh giá, xếp hạng đối với 12 sản phẩm tham gia chương trình OCOP của 8 tổ chức, cá nhân, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020, toàn thành phố cũng chỉ có thêm 20 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chương trình.
Theo tìm hiểu của NNVN, ngoài những sản phẩm đã được công nhận OCOP, TP Hải Phòng còn có hàng trăm sản phẩm đặc trưng, thế mạnh khác có thể tham gia chương trình để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu nhập cho người dân như: Sản phẩm rươi tươi, rươi chế biến ở Giang Biên, Vĩnh Bảo; Rượu Đất cảng, sứa sơ chế, ổi lê Đài Loan, gạo nếp cái hoa vàng, rượu nếp cái hoa vàng, nước mắm Cá thu, bánh Trung thu... Với số lượng sản phẩm OCOP như hiện tại của Hải Phòng còn quá ít so với tiềm năng và chưa thể đại diện cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương này.
Liên quan đến vấn đề này, theo Chi cục Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, thời gian qua, một số địa phương và sở, ngành của thành phố chưa thực sự quan tâm đến Chương trình OCOP nên công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình chậm hơn nhiều so với tiến độ thời gian quy định. Mặt khác, các chủ thể sản xuất gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm, còn thiếu một số tài liệu minh chứng, còn gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đề xuất, bố trí nguồn vốn đối ứng...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp tốt hơn. Các đơn vị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao lồng ghép thực hiện Chương trình OCOP trong kế hoạch thực hiện để chương trình được triển khai đúng tiến độ.
Ông Tăng Xuân Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Tiềm năng thì rất lớn, chương trình đang được triển khai cật lực nhưng số lượng sản phẩm tham gia chương trình còn quá ít, chưa đủ tính đại diện cho các sản phẩm thế mạnh của Hải Phòng. Ví dụ như 1 số sản phẩm như bánh trung thu cực ngon, nổi tiếng cả nước, nhưng họ chưa tham gia được. Còn lại 1 số sản phẩm nữa, họ chưa biết đến OCOP là gì. Tiềm năng của Hải Phòng còn rất lớn, rất nhiều, chúng tôi đang cho khảo sát, hy vọng sau khi có kết quả, sẽ có cái nhìn chính xác nhất để có kế hoạch phát triển xứng tầm”.
Chính sách chưa đủ mạnh
Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, Hải Phòng đã có những ưu đãi nhất định cho các cá nhân, tổ chức để khuyến khích, động viên người dân đẩy mạnh sản xuất. Ví dụ như Nghị quyết 13 năm 2017 của UBND TP Hải Phòng với 6 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân…, được xem là chìa khóa để phát triển nông nghiệp thành phố Cảng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm thuộc nhóm chính sách hỗ trợ số 6, các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm đặc thù, sản phẩm có thế mạnh của địa phương được hỗ trợ một lần để đổi mới công nghệ, trang thiết bị, gắn nhãn mác, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Mức hỗ trợ bằng 50% kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 01 (một) tỷ đồng/một xã. Thực hiện cơ chế hỗ trợ này, năm 2019, Hải Phòng đã hỗ trợ 4,39 tỷ đồng thực thiện nâng cấp, hoàn thiện 12 sản phẩm OCOP và năm 2020, hỗ trợ 2 tỷ đồng cho 10 sản phẩm OCOP.
Về chính sách ưu đãi này, qua khảo sát, hầu hết những cá nhân tổ chức đã được nhận ưu đãi từ chương trình và có sản phẩm được chứng nhận OCOP tại Hải Phòng đều thừa nhận rằng, chương trình ngoài việc giúp nâng cao giá trị sản phẩm, được nhiều người biết đến còn là “đòn bẩy” giúp họ có thể vươn xa. Tuy nhiên, chương trình còn 1 số bất cập cần phải hoàn thiện.
Ông Phạm Văn Quyên – chủ sở hữu 1 sản phẩm OCOP 3 sao ở huyện Tiên Lãng cho hay: Chương trình OCOP ở Hải Phòng đang được triển khai tốt, cơ sở của ông đã được sự ưu đãi và đã có sự thay đổi rõ rệt. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, dù ít dù nhiều cũng là điểm bật để doanh nghiệp giải quyết được vấn đề về đầu tư, nhưng nếu được hỗ trợ được nhiều hơn và làm triệt để thì chương trình sẽ làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn.
“Ở Hải Phòng, ngân sách hỗ trợ cho nông nghiệp những năm gần đây có sự cải thiện, tuy nhiên còn ít so với các tỉnh, thành khác và mặt bằng chung cả nước. Do đó chưa đủ kích cầu cho sự phát triển của nông nghiệp nông thôn, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đủ cho Hải Phòng sử dụng, chứ chưa nói đến các tỉnh thành khác. Do đó, dù tiềm năng lớn về nông nghiệp, tuy nhiên hiện tại rất nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Hải Phòng được nhập từ Trung Quốc và các tỉnh khác về để tiêu thụ tại thị trường Hải Phòng. Tôi năm vừa rồi rất may mắn còn được hỗ trợ 1 chút khoảng 700 triệu cho máy móc và bao bì các thứ… Nhưng năm nay thì chắc không được, chắc chỉ được 50-100 triệu…”, ông Quyên nói.
Ngoài vấn đề về nguồn hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp còn "khiêm tốn", cũng có ý kiến thẳng thắn trao đổi mong muốn các thủ tục hành chính được rút gọn để tạo điều kiện giúp các cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc hoàn tất những giấy tờ cần thiết.
“Hải Phòng là địa phương có nhiều sản phẩm không chỉ trồng trọt mà còn về thủy hải sản. Do đó, cần tiếp cận, động viên và khai thác triệt để thế mạnh của các sản phẩm thế mạnh đó để đưa thành những sản phẩm đặc trưng của địa phương tiến tới mở rộng ra thế giới. Mong được quan tâm sâu sát hơn nữa, các thủ hồ sơ để được chứng nhận là sản phẩm OCOP cần tinh gọn, giảm bớt những thủ tục không cần thiết, nặng nề về giấy tờ. Mong các cấp các ngành, sau khi có chứng nhận sản phẩm thì nên quan tâm đồng hành, quan tâm đến các hộ đã được chứng nhận thường xuyên hơn”, bà Nguyễn Thị Hà, chủ sản phẩm OCOP - Gạo ruộng rươi chia sẻ.