“Vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà”
14:34 - 14/10/2020
Đó là chủ đề của Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V năm 2020 diễn ra ngày 13/10 tại Hà Nội.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn


Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V nằm trong chuỗi sự kiện Tự hào nông dân Việt Nam được tổ chức thường niên. Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ và ngân hàng Nhà nước cùng phối hợp chỉ đạo, giao cho báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trực tiếp thực hiện nhằm giúp nông dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông sản cũng như làm thế nào để tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, làm thế nào để sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hiệu quả.


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Thào Xuân Sùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Năm 2020 là một năm thế giới có nhiều biến động, dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona gây ra (dịch Covid-19) đã lây lan ra phạm vi toàn cầu, gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng con người và thiệt hại về kinh tế xã hội, trong đó có Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân, doanh nghiệp, HTX đã nỗ lực vượt khó vươn lên, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, văn hoá-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.


Nhờ tinh thần và sức mạnh ấy, nông nghiệp, nông thôn nước ta trong năm 2020 lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển.


Các tiềm năng về dân số, sự đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học với hàng nghìn loại giống cây, con, thổ sản quý hiếm cho phép sản xuất được cả 3 nhóm nông sản (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới); 1.200 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, 15.800 HTX, 40.000 trang trại, 8 triệu hộ nông dân đã và đang sản xuất tập trung.


Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA được mở rộng thị trường, thay đổi công nghệ, thay đổi cách quản trị hay thay đổi về thể chế, pháp luật thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị.


Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lưu Quang Định cho biết: Diễn đàn Nông dân quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. Năm năm qua, đã có nhiều chủ đề thiết thực được thảo luận như: "Nông dân toàn cầu – từ tư duy đến hành động", "Hãy sẵn sàng với nông nghiệp 4.0", "Xuất khẩu nông sản: Cơ hội và thách thức", "Từ EVFTA tới CPTPP: Cùng nông dân đi chợ thế giới".
Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng (thứ 2 từ bên trái sang) chia sẻ tại Diễn đàn


Năm 2020, Ban Tổ chức chọn chủ đề vốn và công nghệ trong liên kết 6 nhà vì đây là 2 vấn đề nông dân cả nước hết sức quan tâm. Mối liên kết 6 nhà trong sản xuất và kinh doanh nông sản đang được các "nhà": Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà phân phối tích cực xích lại gần nhau.


Diễn đàn đã nghe các báo cáo tham luận về thực tế ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kinh doanh nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp trong liên kết 6 nhà. Các nhà khoa học, doanh nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để tiếp cận các dự án ứng dụng khoa học của địa phương. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Nhà nước sẽ làm gì để kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân cũng như việc làm thế nào để người nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được với nguồn vốn từ các ngân hàng.


Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (Bộ NN & PTNT) nhận định: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, việc ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 có thể mang lại những tác động tích cực, là cơ hội để nông sản Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Ông Nguyễn Thanh Tân- nông dân tỉnh Vĩnh Long bày tỏ: Hiện nay, để mở rộng quy mô đầu tư sản xuất để phát triển mô hình nuôi lươn thì cần số vốn lớn, nên tôi mong muốn Nhà nước quan tâm hơn tới các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như chúng tôi, ngành ngân hàng tạo điều kiện  cho vốn lớn hơn, thuận lợi hơn.

Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ V

Tại diễn đàn, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước Phạm Thị Thanh Tùng thông tin: Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. 


“Các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn cho vay và rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Agribank đang nỗ lực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” - Phó Tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho hay.


Theo Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, việc kết nối 6 nhà nhất thiết phải có những ‘bà đỡ”, đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. “Bà đỡ” phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường. Chúng ta phải đặt vấn đề để giải bài toán kết nối một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, nhân văn hơn, đúng pháp lý hơn. Đồng thời, cần phải kết nối bằng cái tâm của các doanh nghiệp và các cá nhân tổ chức kinh doanh trên thị trường.


Nhân dịp này, Ban Tổ chức Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải. Theo đó, 1 giải Vàng trị giá 30 triệu đồng được trao cho ông Nguyễn Thế Hải với dự án “Ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xử lý nguồn nước trước và sau sử dụng”, 1 giải Bạc trị giá 20 triệu đồng được trao cho ông Trần Văn Tân với dự án “Trồng dưa lưới Taki, rau thủy canh trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính”, 1 giải Đồng trị giá 15 triệu đồng được trao cho ông Nguyễn Thanh Tân với dự án “Sản xuất kinh doanh lươn giống nhân tạo, kết nối khách hàng qua Internet, nuôi lươn thương phẩm bằng phương pháp tự động hóa điều khiển bằng phần mềm PLC” và 3 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng trao giải Vàng cho tác giả Nguyễn Thế Hải với Dự án "Ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn trong ấp trứng cá tầm, cá hồi và xử lý nguồn nước trước và sau sử dụng"

Bế mạc Diễn đàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Nông nghiệp Việt Nam có một vị thế hết sức quan trọng, là nền tảng cho nền kinh tế. Do đó, Chính phủ sẽ dành mọi nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và dành những chính sách hỗ trợ tối đa ưu tiên nhất cho người nông dân, nhất là trong vấn đề tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và công nghệ.


Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với ngân hàng Nhà nước, Bộ Khoa học & Công nghệ và các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương tham mưu với Chính phủ để có những điều chỉnh, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, nhất là chúng ta đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do FTA, mới nhất là hiệp định thương mại tự do EVFTA với khối các nước trong Liên hiệp châu Âu (EU), vì thế việc nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ xuất khẩu, thậm chí cạnh tranh ngay trên sân nhà là hết sức bức thiết. Do đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn, đề nghị Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ NN & PTNT cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận với công nghệ mới.


Về phía Hội Nông dân Việt Nam, tôi đề nghị các ban, đơn vị chuyên môn tham mưu với Ban Thường vụ tổng kết, đánh giá các kiến nghị của bà con nông dân về các vấn đề được nêu tại Diễn đàn ngày hôm nay, qua đó để Ban Thường vụ chỉ đạo xây dựng báo cáo đề xuất, kiến nghị về từng chính sách, từng giải pháp cụ thể.

Nguồn: Cổng ĐT HND
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường