Về nguồn, tri ân đồng bào nông dân vùng di tích các cơ quan Hội Nông dân Việt Nam
Nhằm ôn lại lịch sử truyền thống 90 năm ra đời, phát triển của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), thời gian qua T.Ư Hội NDVN đã tổ chức các chương trình về nguồn thăm các di tích cách mạng, di tích lịch sử của Hội.
Đặc biệt, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân đối với các địa phương, các thế hệ cán bộ, nông dân vùng di tích các cơ quan Hội NDVN qua các thời kỳ.
"Uống nước nhớ nguồn"
Tháng 10/2019, Đoàn cán bộ cơ quan T.Ư Hội NDVN do đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN làm trưởng đoàn đã về nguồn thăm, dâng hương tại di tích lịch sử cách mạng, trong đó có di tích cơ quan Ban Nông vận T.Ư (tiền thân của Hội NDVN) tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, đây là nơi ghi dấu ấn của những lãnh đạo, cán bộ Hội ND đầu tiên của chúng ta nên địa phương cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Bên cạnh việc đầu tư trùng tu di tích khang trang, sạch đẹp hơn, địa phương phải chăm lo tốt cho đời sống của đồng bào dân tộc ở đây để bà con có cuộc sống tốt hơn nhằm tri ân những đóng góp to lớn của mọi người đối với Bác Hồ, cán bộ cách mạng…
|
Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN tặng quà cho các hộ nghèo, khó khăn tại vùng di tích tại Tuyên Quang và Thái Nguyên. Ảnh: Trần Quang |
"Về nguồn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tình cảm, trách nhiệm của người cán bộ Hội ND hiện nay đối với thế hệ cán bộ Hội đi trước đã dày công xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh".
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN.
|
Để tri ân công lao và sự chở che, đùm bọc của bà con địa phương đối với cách mạng, với cán bộ Nông hội đỏ, Chủ tịch Thào Xuân Sùng thay mặt Hội NDVN đã trao tặng những món quà ý nghĩa tới hội viên, nông dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) và hội viên, nông dân xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên).
Xúc động khi nhận những phần quà T.Ư Hội NDVN trao tặng, ông Trần Văn Tính (87 tuổi) ở xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) cho biết: Gia đình ông cảm thấy được động viên và càng tự hào hơn về những đóng góp của địa phương và gia đình cho cách mạng. Mong rằng, sắp tới, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nông dân xã Điềm Mặc phát triển kinh tế, làm giàu để tiếp tục giúp sức cho địa phương xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức các chương trình về nguồn của Hội NDVN, ông Nguyễn Hồng Sơn- Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN cho biết: " Về nguồn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tình cảm, trách nhiệm của người cán bộ Hội ND hiện nay đối với thế hệ cán bộ Hội đi trước đã dày công xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh. Đây cũng là dịp bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức cán bộ Hội về vị trí, vai trò, sứ mệnh của tổ chức Hội ND và người nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại trong thời gian tới".
Tri ân nông dân vùng di tích
Lịch sử phong trào nông dân và Hội NDVN hiện có 6 điểm di tích được ghi nhận ở 4 tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam và Tây Ninh. Những năm qua, T.Ư Hội NDVN đã tích cực phát động cán bộ, hội viên, nông dân ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử Hội NDVN.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn- Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN: Di tích địa điểm Ban Nông vận T.Ư và Hội ND cứu quốc T.Ư ở xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ghi dấu nơi ở và làm việc của Hội NDVN trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù trải qua muôn vàn khó khăn, song giai cấp nông dân vẫn một lòng đi theo Đảng, khẳng định vai trò không thể thiếu trong việc giáo dục, động viên và tổ chức các phong trào quần chúng, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Chính quyền và nhân dân xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc thường tổ chức những buổi họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ tại nhà văn hóa kề bên di tích. Vào các ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm thành lập Hội NDVN (14/10) hàng năm, du khách nhiều nơi cùng các cơ quan, đơn vị, Hội ND các địa phương về di tích, tham quan, tìm hiểu, ôn lại truyền thống lịch sử của Hội NDVN.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, trong thời gian qua, đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã đồng lòng công đức ủng hộ cung tiến chuông, trống và một số hạng mục nội thất vào nhà tưởng niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám tại thôn Dị Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên.
Thành kính tri ân và tôn vinh sự nghiệp, những cống hiến to lớn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, Ban Tuyên giáo T.Ư Hội NDVN đã phối hợp với Hội ND tỉnh Hưng Yên xây dựng phương án triển khai thực hiện đúc chuông công đức cung tiến tại đền thờ danh nhân Hoàng Hoa Thám, đến nay đã hoàn thiện việc đúc chuông và làm trống.
Hội NDVN còn thực hiện nhiều hoạt động tri ân nông dân các vùng di tích. Cụ thể, năm 2005 - 2006, Hội NDVN đã xây dựng tặng nông dân thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang một nhà lớp học mẫu giáo - mầm non. Tại đây, Hội cũng tặng 10 con bò giống cho chi Hội nông dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào.
Còn tại di tích ở xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, năm 2006, Hội NDVN đã xây dựng tặng nông dân nơi đây nhà văn hóa (nằm trong khuôn viên khu di tích, được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn) cùng với 10 sào chè. Năm 2017, Hội tiếp tục ủng hộ nông dân xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc số tiền 400 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn khu di tích và trang thiết bị, bàn ghế của nhà văn hóa.