Sản phẩm mây tre đan đang đứng trước “cơ hội vàng” để mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhưng muốn phát triển đột phá, các làng nghề cần tiếp sức từ cơ chế hỗ trợ.
|
Các sản phẩm mây tre đan, tết bện của Việt Nam được xuất khẩu ngày càng nhiều sang thị trường Châu Âu. Ảnh: Minh Phúc. |
Ngày 2/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã thăm một số làng nghề tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình.
Khu nhà xưởng và nhà kho của Công ty TNHH Đổi Mới ở xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, Ninh Bình rộng khoảng nửa héc-ta xếp chật kín những thùng sản phẩm được tết, bện từ cói và lục bình.
Những sản phẩm được gắn mác tiếng Anh và in giá quy đổi thành đô la và euro để chuyển lên container xuất khẩu sang Châu Âu như Ý, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… và Hoa Kỳ.
Nhờ đôi tay tài hoa của những thợ thủ công, những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi như cây lục bình trôi nổi trên sông, sau khi được vớt lên và sấy khô đã biến thành hàng trăm mẫu sản phẩm khác nhau phục vụ sinh hoạt.
Ông Đoàn Văn Lan, Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới, chia sẻ năm 2020 doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm trị giá hơn 3 triệu USD và luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Nguyên nhân là do văn hóa tiêu dùng của người dân Châu Âu, Châu Mỹ thích sử dụng các vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường, giảm sử dụng đồ nhựa và các vật liệu độc hại khó phân hủy.
Ông Lan cũng trực tiếp đi khảo sát các làng nghề truyền thống ở Đức, Ý, Pháp… và thấy rằng, cơ bản nghề mây tre đan gần như đã bị xóa sổ ở các quốc gia phát triển này do không thể ứng dụng dây chuyền công nghiệp để cơ giới hóa. Thị trường thế giới đang rất cần sản phẩm mây tre đan và đó là cơ hội vàng cho các làng nghề truyền thống tại Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp của ông Lan đang liên kết đào tạo và bao tiêu sản phẩm với hơn 10.000 lao động thủ công, đa phần là những nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ và người cao tuổi ở nông thôn. Đó là con số rất đáng lưu tâm, trong bối cảnh tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn ở mức cao.
Ông Lan chia sẻ, cách đây 12 năm ở xã Chấn Bình, huyện Kim Sơn chỉ có 20 người đan, nhưng sau đó được Hội Phụ nữ tỉnh dạy 10 lớp nghề mây tre đan, mỗi lớp 30 người (tương đương tổng số 300 người được dạy nghề). Đến nay, toàn xã đã có hơn 2.000 người đan tạo thành xã nghề sầm uất, ô tô nườm nượp vào ra nhập hàng.
Nhiều năm qua, Công ty TNHH Đổi Mới đã cử giáo viên phối hợp cùng các trung tâm dạy nghề các huyện để đào tạo nghề đan cho lao động nông thôn. Khi các học viên kết thúc khóa học và làm ra sản phẩm, công ty sẽ thu mua để xuất khẩu. Đó là cách đi rất bền vững và hiệu quả.
“Chúng ta phải có chiến thuật dạy nghề theo kiểu vết dầu loang. Nghĩa là mỗi điểm tổ chức dạy một lớp để người dân tự học hỏi lẫn nhau để nhân rộng, chứ không thể đào tạo tràn lan được”, ông Đoàn Văn Lan chia sẻ.
Tuy nhu cầu thị trường với các sản phẩm đan, tết bện là rất lớn nhưng doanh nghiệp rất khó để nâng giá bán sản phẩm. Bởi Trung Quốc có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu để thống lĩnh thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người dân các làng nghề truyền thống.
Do lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan và tết bện rất thấp, không thể sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp như các ngành khác. Do đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập để kích thích nhiều nhà đầu tư.
Cũng theo ông Lan, Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu khoa học để tìm ra các giống cói và lục bình chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định sản xuất.
“Chúng tôi đã thử nghiệm và thấy rằng, cứ 1m2 trồng lục bình sẽ cho thu hoạch 2kg sản phẩm. Nếu trồng 2 vụ/năm thì lợi nhuận cao hơn nhiều lần trồng lúa. Vấn đề là cần có giải pháp để phòng, chống hiện tượng cào cào ăn lá”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, ngành nghề mây tre đan đang có lợi thế rất lớn để phát triển. Và để phát triển bền vững, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các hợp tác xã hoạt động chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu cói, lục bình làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Nhà nước sẽ có cơ chế để hỗ trợ các hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cần hình thành các trung tâm thiết kế mỹ thuật mây, tre đan để liên tục đổi mới mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng quốc tế. Đồng thời, xem xét, trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn; hỗ trợ mặt bằng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mây, tre đan.