Nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên: Cần “cú hích” để tạo đột phá
08:54 - 24/09/2020
LTS. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Đắk Lắk vào ngày 28/9 tới. Theo đánh giá, hội nghị lần này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở miền Trung - Tây Nguyên, tạo động lực đánh thức những tiềm năng trời ban.

Bài 1: Khi tôm, chanh leo, cà phê rủ nhau sang EU

Trong số những mặt hàng nông sản chủ lực được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đến 3 sản phẩm: Tôm, chanh leo, cà phê. 
 

Đặc biệt, sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
 

Niềm vui tháng 9

Những ngày đầu tháng 9, nhiều nông sản chủ lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã lên đường sang EU sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, mở ra những ưu đãi chưa từng có về thuế quan.
 

Bắt đầu từ con tôm của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, vượt qua nhiều thách thức, bằng nỗ lực đổi mới công nghệ, quy trình nuôi khép kín và hiện đại, đàn tôm của Ninh Thuận đã lên đường sang EU. 
 

Theo ông Trương Hữu Thông- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận, đơn vị xuất khẩu lô tôm đầu tiên sang EU theo EVFTA cho hay, để con tôm của công ty xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, Thông Thuận Group đảm bảo quy trình sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu, đồng thời áp dụng theo quy trình nghiêm ngặt.

Thu hái cà phê tại  Đăk Lăk. Ảnh: TTXVN

 

"Thách thức lớn nhất hiện nay đối với nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên là sự tác động của biến đổi khí hậu, như: Tình trạng khô hạn và các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, lốc xoáy… không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn phá vỡ quy luật phát triển của cây trồng; độ che phủ rừng suy giảm, mạch nước ngầm giảm sâu...".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của quốc tế.
 

Đối với thị trường châu Âu, công ty có đầy đủ các chứng chỉ: GlobalGAP, ASC, BRC, BAP 3 SAO, IFS, BSCI, SEDEX, BAP 4 SAO, do đó tạo ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, được khách hàng các nước tin tưởng, thị trường luôn tăng trưởng.
 

Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu, tuy nhiên đến hết tháng 8/2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu tôm của Thông Thuận đã đạt gần 70 triệu USD. Trong đó, thị trường Nhật Bản đạt 13,7 triệu USD (chiếm 20% doanh thu); thị trường EU đạt 34,7 triệu USD (chiếm 50% doanh thu); thị trường Mỹ đạt 6,9 triệu USD (chiếm 10% doanh thu) và các thị trường khác chiếm 20% doanh thu.
 

Sau tôm, hai sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của đất Tây Nguyên là chanh leo và cà phê cũng đã lên đường sang EU với những ưu đãi chưa từng có, trong đó, cà phê Buôn Ma Thuột còn là 1 trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
 

Được biết, cà phê là 1 trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao và cũng là nông sản chủ lực của Tây Nguyên. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
 

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm.

 

Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Hiệp định có hiệu lực là cơ hội cho nông sản của nước ta chinh phục trường EU, thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Đồng thời cũng là thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông sản cần tổ chức lại sản xuất và chế biến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường".
 

Theo ông Kpă Thuyên, Gia Lai có trên 97.000 ha cà phê, sản lượng hàng năm gần 240.000 tấn. Hiện tại Gia Lai đã có trên 34.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn như UTZ, 4C, VietGAP... Đồng thời, có 55 doanh nghiệp chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan; 53 doanh nghiệp thu mua, sơ chế cà phê nhân xuất khẩu.
 

Chanh leo cũng đang là một đối tượng cây trồng triển vọng ở Tây Nguyên, những vùng chanh leo rộng lớn ở nơi đất đỏ bazan này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chanh leo trong khu vực.
 

Từ 2015 - 2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95.000 tấn quả tươi/năm (2015) lên 300.000 tấn quả tươi (2018) và kim ngạch từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador… 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ 2019.
 

Vượt thách thức biến đổi khí hậu

Theo TS Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều ngành kinh tế, ngành nông nghiệp vẫn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ. 
 

Điều này thể hiện rất rõ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 6 tháng đầu năm 2020, khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên gặp khó khăn thì khu vực nông - lâm và thủy sản vẫn tăng trưởng khá. Trong đó, miền Trung tăng 2,13%, Tây Nguyên tăng 4,97%.
 

"Để khơi thông các tiềm năng về nông nghiệp, theo tôi, cần có những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân hình thành các chuỗi giá trị, đồng thời phải quan tâm đến sản xuất bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu" - ông Thắng khẳng định.
 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên có nhiều tiềm năng và vai trò quan trọng trong nền kinh tế và an ninh, quốc phòng của nước ta. 
 

Tây Nguyên có đến 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, phù hợp với những cây công nghiệp như: Cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà, mắc-ca - những cây công nghiệp quan trọng của Việt Nam đã xuất khẩu và giữ được thị phần lớn về kim ngạch trên thế giới. 
 

"Để Tây Nguyên phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, điều quan trọng là cần cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng để hình thành liên vùng kinh tế trọng điểm; tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp mũi nhọn; nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, phục vụ cho ngành chế biến; phát triển bền vững, phục hồi và bảo vệ rừng, gắn với sinh kế của người dân" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường