T.Ư Hội NDVN - Hiệp hội CropLife châu Á: Chia sẻ kinh nghiệm của nông dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid 19
10:28 - 18/09/2020
(Cổng ĐT HND) – Chiều nay (17/9), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với Hiệp hội CropLife châu Á tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm chia sẻ kinh nghiệm về đại dịch COVID-19– Kinh nghiệm của nông dân Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định gợi mở một số nội dung cụ thể để các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị trực tuyến

 
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định và ông Duke Hipp- Giám đốc Đối ngoại và truyền thông CropLife Châu Á đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị  còn có đại diện lãnh đạo một số Ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội NDVN và các thành viên của Hiệp hội CropLife châu Á.

 
Đây là cơ hội để những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động canh tác nông nghiệp cũng như đại diện lãnh đạo các tổ chức nông dân có thể chia sẻ và cùng trao đổi thông tin một cách kịp thời trong những lĩnh vực cụ thể, thiết thực, đang làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, nguồn thu nhập và đời sống của người nông dân.

 

Hiệp hội CropLife châu Á đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến đầu tiên với sự tham gia của đại diện lãnh đạo nông dân các nước: Philippines, Malaysia, Indonesia.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định đề nghị các đại biểu của Trung ương Hội NDVN tập trung phân tích, thảo luận để làm rõ một số nội dung cụ thể như: Việc sản xuất các mặt hàng nông sản bị đình trệ; sự thiếu hụt nguồn lao động; khả năng tiếp cận được thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản gặp khó khăn; sự gián đoạn của nông dân trong việc tiếp cận với những sản phẩm liên quan đến đầu vào nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, hạt giống có chất lượng)…

 
Theo đó, đại dịch COVID-19 đã có sự tác động trực tiếp và nặng nề, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế của người lao động, nhất là những lao động nghèo ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn đối với người nông dân.

 
Cụ thể, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người; giảm 2,4 triệu người so với quý I và giảm gần 2,6 triệu người so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua theo Tổng cục Thống kê. Trong đó, lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và lao động là nữ; lao động trong khu vực nông- lâm nghiệp và thủy sản là 17 triệu người, chiếm 32,9% (giảm 497,4 nghìn người so với quý I/2020).

 
Trung ương Hội NDVN thời gian qua đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ kịp thời giúp hội viên, nông dân vượt qua thách thức, tiếp cận nguồn lao động và việc làm, từng bước khôi phục lại sản xuất… Các cấp Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức và cá nhân (nhất là các doanh nghiệp) để tổ chức kết nối cung ứng hàng hóa thiết yếu nhằm kiểm soát tốt giá cả, không để nơi thừa- nơi thiếu hay xảy ra tình trạng lộn xộn ép giá người nông dân. Các cấp Hội luôn đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt khó để giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là: Đầu tư cái gì- Hợp tác với ai- Tiêu thụ sản phẩm ở đâu?

 
Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN chỉ đạo các cấp Hội tăng cường sự hợp tác, liên kết với các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp hội viên, nông dân nâng qui mô sản xuất, hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh… Tổ chức liên kết để cung ứng các loại phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, máy sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao theo hình thức trả chậm không tính lãi. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng ở các địa phương.

 
Lĩnh vực công nghệ thông tin cũng được khai thác tối đa, nhất là trong khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra giúp cho người nông dân. Nếu như trước đây, nông dân vẫn chủ yếu bán hàng thông qua các thương lái đến mua trực tiếp hay mang ra chợ bán thì gần đây, nhiều hội viên, nông dân đã tích cực áp dụng việc bán hàng thông qua các kênh thương mại điện tử giúp mang lại hiệu quả rõ nét.

 
Xác định đây chính là hướng đi phát triển bền vững và ổn định trong tương lai, những năm qua, Trung ương Hội NDVN đã phối hợp với tập đoàn Google tại Việt Nam tổ chức triển khai dự án đào tạo giúp cho hội viên, nông dân tại nhiều tỉnh, thành biết cách sử dụng Internet và các thiết bị điện tử thông minh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sắp tới, Trung ương Hội NDVN tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hướng dẫn hội viên, nông dân các phương thức giao dịch hàng hóa mua- bán trên mạng điện tử, xây dựng các trang web bán hàng… để đẩy mạnh và phát triển lĩnh vực thông minh này rộng rãi hơn.

 
Để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản có chất lượng, an toàn nhằm hướng tới việc chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính, Chính phủ Việt Nam cũng như nông dân Việt Nam đang tăng cường việc sử dụng phân bón hữu cơ theo các tiêu chuẩn qui định. Đồng thời, công nghệ tưới nước tiết kiệm và phương pháp trồng thủy canh cũng đang được nông dân tại nhiều địa phương áp dụng triển khai, mang lại giá trị và hiệu quả rất đáng ghi nhận; vấn đề bộ giống tốt cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất của bà con nông dân vì sẽ đảm bảo năng suất sản phẩm ổn định, có chất lượng.


Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định và ông Duke Hipp- Giám đốc Đối ngoại và truyền thông CropLife Châu Á đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến từ các điểm cầu kết nối

 
Một vấn đề được tất cả đại biểu tại các Hội nghị quan tâm, bàn thảo nhiều chính là có hay không khoảng cách giữa các chính sách được Chính phủ các quốc gia ban hành và việc triển khai thực hiện các chính sách này tại những địa phương cụ thể?

 
Trung ương Hội NDVN xác định muốn các chính sách đi vào cuộc sống cần phải có sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách. Do đó, trong những năm gần đây, Trung ương Hội NDVN đã có sáng kiến tổ chức các cuộc Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với người nông dân; qua đó giúp hội viên, nông dân có cơ hội đề đạt nguyện vọng, trình bày những khó khăn, vướng mắc của mình.

 
Đồng thời, sau khi các chính sách được ban hành, các cấp Hội luôn phát huy vai trò tích cực của mình khi cùng tham gia với chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể khác triển khai việc giám sát thực thi những chính sách này ở cơ sở. Qua đó, nhằm đánh giá chính sách ấy cần thiết phải bổ sung gì, chỉnh sửa gì, có phù hợp với hội viên, nông dân không để trình lên Chính phủ nghiên cứu và có điều chỉnh kịp thời.

 
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang cố gắng xây dựng chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người nông dân ở lại nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, có chính sách cụ thể hỗ trợ các lao động trẻ khởi nghiệp ở nông thôn để khai thác tối đa thế mạnh nguồn lực lao động trẻ mà chúng ta đang nắm giữ.

 
Ông Duke Hipp- Giám đốc Đối ngoại và truyền thông CropLife châu Á bày tỏ sự vui mừng cũng như ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Hội NDVN trong thời gian qua. Đặc biệt là những cách làm mới, hoạt động nổi bật của tổ chức Hội trong việc kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân vượt qua những khó khăn, thách thức hiện tại để vững tin vào việc từng bước thích nghi với điều kiện sản xuất mới trước tác động của dịch bệnh và tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu. Đây là những kinh nghiệm chia sẻ có giá trị để Hiệp hội CropLife châu Á tiếp tục trao đổi, thông tin trong những Hội nghị trực tuyến sắp tới.


Đoàn đại biểu của Trung ương Hội NDVN chụp ảnh lưu niệm với đại diện thành viên tổ chức CropLife tại Việt Nam

 
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cũng bày tỏ sự vui mừng, cảm ơn tới Hiệp hội CropLife châu Á đã tổ chức chuỗi Hội thảo trực tuyến rất hay và ý nghĩa này. Mong muốn tiếp tục được hợp tác với phía bạn bằng những chương trình cụ thể, thiết thực trong tương lai để qua đó có sự hỗ trợ người nông dân ngày càng tốt hơn.

 

Tại Việt Nam, những năm qua, Hiệp hội CropLife đang là một trong các đối tác đồng hành cùng Chính phủ, các tổ chức xã hội và nhiều bên liên quan trong chuỗi sản xuất thực phẩm nhằm xây dựng và thực thi khung hành lang pháp lý tiên tiến, khoa học và khả thi trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, CropLife đã triển khai các chương trình hướng dẫn, giúp người nông dân sử dụng có trách nhiệm và hiệu quả các sản phẩm khoa học thực vật, bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; cây trồng công nghệ sinh học.

Ngọc Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường